Thứ Bảy, 27 tháng 8, 2011

10 lời khuyên cho tân sinh viên trường ĐH KHXH & NV

Các bạn tân sinh viên thân mến! Việc tiếp thu kinh nghiệm của các thế hệ sinh viên trường là điều rất quan trọng để chúng ta thành công hơn và ít phạm sai lầm hơn. Vừa qua, Đoàn TN – Hội SV trường đã lấy ý kiến của sinh viên và cựu sinh viên trường về một số kinh nghiệm khi học tập tại trường và đúc kết được 10 kinh nghiệm và là 10 lời khuyên sau đây cho tân sinh viên trường chúng ta.
1. Xác định mục tiêu học tập và cuộc sống: Bạn nên xác định cho mình một mục tiêu cụ thể về việc học trong suốt 4 năm học tại trường. Các mục tiêu về học tập nên được cụ thể hoá chứ không nên chung chung, ví dụ như: sẽ tốt nghiệp loại giỏi ( điểm trung bình tích luỹ 8.0), sẽ thực hiện 1 đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường, sẽ lấy chứng chỉ C tiếng Anh, sẽ học thêm một ngoại ngữ khác ngoài tiếng Anh....
Thực tế có nhiều sinh viên không xác định rõ cho mình mục tiêu nghề nghiệp sau khi ra trường, cho nên khi cầm bằng tốt nghiệp trong tay mà vẫn chưa biết là mình sẽ làm việc gì và phù hợp để làm việc gì. Chia sẻ điều này, nhiều cựu sinh viên thành đạt khuyên rằng: các bạn nên tìm hiểu thật kỹ và xác định cho mình một công việc phù hợp với sở thích, khả năng của bạn trong tương lai vào khoảng đầu năm học thứ 3. Ngay sau khi xác định công việc yêu thích, bạn hãy đầu tư nhiều thời gian học tập, rèn luyện các kỹ năng, kinh nghiệm, kiến thức về công việc mơ ước đó.
2. Sắp xếp thời gian tham gia các hoạt động ngoại khóa do Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên và các đơn vị khác tổ chức. Các chương trình đều được phân bố đều hàng tháng.
Hình: SV trường dạy học cho học sinh tại huyện Đakglong, Đaknong trong CDTN Mùa hè xanh 2011
Khi tham gia các hoạt động này, các bạn sẽ được rèn luyện bản thân, mở rộng mối quan hệ xã hội, cải thiện kỹ năng sống và giúp ích cho cộng đồng. Nhiều SV cho rằng “ Nếu không tham gia Mùa hè xanh, Xuân tình nguyện… thì bạn đã tự tước đi một cơ hội trải nghiệm rất quan trọng trong cuộc đời sinh viên”. Ngoài ra, môi trường hoạt động của Đoàn – Hội chính là cơ hội để các bạn thực tập, thử năng lực  tổ chức các sự kiện trong các lĩnh vực thể thao, giải trí, tình nguyện…
Hình: Sinh viên trường tham gia hội trại truyền thống Sức trẻ nhân văn được tổ chức tháng 3 hàng năm
3. Đọc nhiều sách báo: việc thu nhận các kiến thức trên giảng đường là chưa đủ. Sinh viên các ngành thuộc lĩnh vực Khoa học Xã hội và Nhân văn nên đọc nhiều sách để tự tích lũy thêm kiến thức. Kinh nghiệm cho thấy rằng bạn không nên chỉ đọc một thể loại sách.
Việc đọc báo hàng ngày để nắm tình hình trong và ngoài nước sẽ giúp bạn có thêm kiến thức thực tiễn vốn rất sinh động và bản cảm thấy mình không bị lạc hậu về thông tin. Thư viện trường sẽ là nơi có nhiều thể loại sách nhất cho bạn lựa chọn. Các thể loại báo đều được cập nhật hàng ngày.
4. Học ngoại ngữ: Trường ĐH KHXH & NV có lượng sinh viên thi đầu vào khối C đông cho nên ngoại ngữ vẫn là một điểm hạn chế phổ biến cần phải khắc phục của sinh viên trường.
Nhà trường quy định rằng: muốn học lên năm thứ 3 bạn phải có chứng chỉ A ngoại ngữ Anh văn ( hoặc tương đương), muốn tốt nghiệp bạn phải có một chứng chỉ B ngoại ngữ Anh văn( hoặc tương đương) được cấp bởi các trung tâm do trường quy định thì bạn mới đủ điều kiện tốt nghiệp. Kinh nghiệm cho thấy: bạn đừng để xảy ra tình trạng “ nước đến chân mới nhảy”. Thực tế có nhiều sinh viên học đến 5 – 6 năm vẫn chưa ra trường vì lí do: thiếu chứng chỉ ngoại ngữ theo yêu cầu. Chúng tôi khuyên rằng: Bạn nên tham khảo thật kỹ các quy định do nhà trường về điều kiện văn bằng ngoại ngữ được quy định tại phòng Đào tạo.
Với thế mạnh của các khoa đào tạo ngoại ngữ, sinh viên trường ĐH KHXH & NV có rất nhiều cơ hội giao lưu với thanh niên, sinh viên quốc tế. Hiện nay, Đoàn Thanh niên và Hội Sinh viên trường có nhiều chương trình giao lưu quốc tế và bạn nên đăng ký ngay những hoạt động giao lưu rất bổ ích này.
Hình: Sinh viên trường biểu diễn múa dân gian Việt Nam tại Thái Lan năm 2009
5. Việc làm thêm : đa phần các bạn sinh viên đều muốn tìm cho  mình một việc làm thêm bán thời gian; một phần để trang trải chi phí cho việc học tập, sinh hoạt, một phần để rèn luyện thêm các kỹ năng trong công việc.
Để kiếm một công việc, các bạn SV có rất nhiều cách: thông qua bạn bè, tờ rơi, hoặc tự đi tìm việc… Nhưng tốt nhất là các bạn nên chủ động liên hệ với văn phòng Trung tâm Tư vấn hướng nghiệp và phát triển nguồn nhân lực của trường ( 083.8225009) hiện có văn phòng tại 02 cơ sở của nhà trường ( Phòng C001 ở CS1 và dãy nhà B ở CS2) các Trung tâm hỗ trợ sinh viên thành phố ( 33, Nguyễn Thị Minh Khai, P. Bến Nghé, Quận 1)… Nếu các bạn tìm việc trôi nổi, có thể gặp nhiều nguy cơ như:  bị bóc lột, lương thấp, cạm bẫy, thậm chí ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân…Tuy nhiên, trước khi bắt đầu đi làm thêm bạn hãy biết tự đánh giá năng lực của mình để chọn một công việc phù hợp, cũng như biết sắp xếp thời gian hợp lý giữa việc học và việc đi làm. Đừng vì quá "mê kiếm tiền" mà bỏ quên việc học bạn nhé !
Đặc biệt, bạn không nên đăng ký làm thêm các công việc được dán trên các cột điện, trên các bức tường vốn vô căn cứ và mờ ám, vì rằng các bạn sẽ dễ bị lừa gạt.
6. Học bổng : Có rất nhiều nguồn hỗ trợ của các tổ chức xã hội, các cá nhân, đơn vị cho các bạn sinh viên, và cơ hội là như nhau cho tất cả mọi người. Học bổng khuyến khích học tập, học bổng cho sinh viên giỏi, học bổng cho sinh viên khó khăn, học bổng cho sinh viên khuyết tật...bạn hãy tích cực theo dõi trên bản tin Đoàn - Hội, thông báo của Phòng CTCT & QLSV, trên báo chí. Và luôn sẵn sàng cho mình một bộ hồ sơ để "săn học bổng" khi có cơ hội !
Hình: Nguyễn Thị Thanh Thảo (thứ 2 từ phải sang) - SV ĐH KHXH&NV TP.HCM, đại sứ môi trường Bayer 2010 - nhận giải thưởng "Lãnh đạo toàn cầu" tại Đức  - Ảnh: Thanh Thảo cung cấp
7. Bắt tay vào việc ít nhất một đề tài nghiên cứu khoa học mà mình tâm đắc:  Trong chiến lược của Nhà trường xác định rằng: nhà trường đang tiến tới thành một đại học nghiên cứu trong lĩnh vực Khoa học Xã hội và Nhân văn hàng đầu trong khu vực. Và vai trò nghiên cứu khoa học của sinh viên là rất quan trọng.
Khi nghiên cứu khoa học bạn sẽ tích lũy cho mình được rất nhiều kiến thức ( kiến thức tổng quan và cụ thể) và kỹ năng ( làm việc nhóm, thu thập tư liệu, trình bày báo cáo một cách khoa học, thuyết trình…) và hơn hết rất có thể đề tài của bạn sẽ được ứng dụng vào thực tế.
Nhưng trước khi bắt tay vào nghiên cứu một đề tài, bạn nên chắc chắn rằng vấn đề nghiên cứu của mình có thể ứng dụng vào thực tế cuộc sống.
8.  Biết cách giải trí và giải trí lành mạnh: việc học tập trên giảng đường và nhiều vấn đề khác đôi khi sẽ làm cho bạn cảm thấy stress. Lời khuyên lúc này là bạn nên thư giãn và giải trí.
Tham gia các hoạt động xã hội, tham quan bảo tàng, đi công viên, tập thể dục hàng ngày, vào một nhà sách và tìm cho mình một cuốn sách ưng ý, du lịch thành phố bằng xe bus, cà phê với bạn bè…đều là những cách giải trí tuyệt vời.  Bạn đừng bao giờ tiêu tốn thời gian và tiền bạc để đi đến một quán nhậu, đánh bài ăn tiền với bạn bè hoặc chơi những trò vô bổ khác.
Việc tạo cho mình một thói quen giải trí lành mạnh, bổ  ích sẽ khiến cho tâm hồn của bạn trở nên thư thả hơn, cuộc sống sẽ trở nên tươi đẹp hơn.
Hiện nay, trên mạng internet có rất nhiều thông tin sach lệch: thông tin kích động chính trị, thông tin bôi nhọ cá nhân, bịa đặt... các bạn nên thật cẩn thận khi tiếp nhận các thông tin này.
Hình: Sinh viên trường biểu diễn nhạc cụ dân tộc cùng GS. Trần Văn Khê
9. Rèn luyện tác phong văn minh, hiện đại, kỷ luật: sử dụng thời gian hợp lý, giao tiếp rộng rãi và lịch thiệp với bạn bè,  luôn đúng giờ, trang phục lịch sự khi đến trường, xếp hàng khi đi thang máy, bỏ rác vào thùng rác, tiết kiệm điện – nước…đây là những thói quen luôn được trân trọng của “ dân nhân văn” chúng ta.
Tại trường ĐH KHXH & NV, các lỗi như: đánh nhau, trộm cắp, gian lận trong thi cử, sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ giả...đều bị hội đồng kỷ luật xử lý rất nặng. Sinh viên có thể sẽ bị đuổi học hoặc đình chỉ học tập 1 năm nếu phạm một trong những lỗi trên.
Tính tích cực, chủ động và xây dựng trong tham gia các hoạt động tập thể, các hoạt động xã hội, khi làm việc... luôn là một thế mạnh của sinh viên ĐH KHXH & NV chúng ta.
Hình: Văn hóa xếp hàng - điều cần luôn hiện diện trong mỗi SV trường ĐH KHXH & NV
10. Rèn luyện kỹ năng sống: theo đánh giá của nhiều chuyên gia thì kỹ năng sống của thanh niên, sinh viên nước ta còn nhiều yếu kém. Các doanh nghiệp cũng thường than phiền trước thực trạng thiếu kỹ năng làm việc của những sinh viên mới tốt nghiệp.
Sinh viên ĐH KHXH & NV nên tham gia nhiều các lớp kỹ học về kỹ năng sống và rèn luyện từng ngày để có kỹ năng tốt. Các kỹ năng bạn nên trang bị thêm như là: kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng sắp xếp thời gian, kỹ năng chi tiêu, kỹ năng giao tiếp, tư duy sáng tạo, tư duy tích cực, kỹ năng hoạch định mục tiêu cuộc đời…
Hiện nay, Hội SV trường cũng như Trung tâm Tư vấn hướng nghiệp và phát triển nguồn nhân lực thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo kỹ năng cho sinh viên trường. Các bạn nên sắp xếp tham gia nhiều các lớp kỹ năng này.
Chúc các bạn thành công!

Thông báo về việc nộp chứng chỉ ngoại ngữ 2

THÔNG BÁO

V/v Học ngoại ngữ không chuyên của sinh viên bậc đại học hình thức đào tạo chính quy Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn

Thực hiện “Quy chế Ngoại ngữ tiếng Anh đối với các chương trình đào tạo đại học và sau đại học không chuyên tiếng Anh” ban hành theo Quyết định số 51/QĐ-ĐHQG-ĐH&SĐH ngày 25 tháng 1 năm 2011 của Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (dưới đây gọi tắt là Quy chế 51) và căn cứ vào thực tế của việc học ngoại ngữ không chuyên của sinh viên, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn quy định một số điều như sau:



1. Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn khẳng định việc giảng dạy ngoại ngữ không chuyên là trách nhiệm của nhà trường. Hiệu trưởng nhà trường quyết định giao việc tổ chức giảng dạy ngoại ngữ không chuyên cho Trung tâm Ngoại ngữ của Trường. Trung tâm có trách nhiệm tổ chức tốt việc giảng dạy ngoại ngữ không chuyên, cả lớp ban ngày và lớp ban đêm, tại hai cơ sở Đinh Tiên Hoàng (Quận 1) và Linh Trung (Quận Thủ Đức) phục vụ nhu cầu học tập của sinh viên.

2. Sinh viên bậc đại học, hình thức đào tạo chính quy của Trường (trừ các đối tượng được miễn nêu tại Điều 3 của Thông báo này) phải đăng ký học ngoại ngữ không chuyên tại Trung tâm Ngoại ngữ của Trường như một môn học bắt buộc theo phương thức tích luỹ để đạt trình độ quy định. Sinh viên của Trường được tổ chức thành lớp riêng, việc xếp lớp căn cứ kết quả kiểm tra trình độ của Trung tâm Ngoại ngữ. Sinh viên nào không có tên trong danh sách học ngoại ngữ không chuyên tại Trung tâm Ngoại ngữ của Trường sẽ không đủ điều kiện để xét tốt nghiệp.

Sinh viên phải đăng ký và theo học ngoại ngữ không chuyên muộn nhất là từ học kỳ 2 của khoá học.

Sau 4 học kỳ đầu, sinh viên phải nộp chứng chỉ A mới được đăng ký học các môn chuyên ngành. Kết thúc khoá học, sinh viên phải nộp chứng chỉ B mới đủ điều kiện xét tốt nghiệp (trừ sinh viên ngành Quan hệ quốc tế có quy định riêng).

Để hỗ trợ sinh viên, Trung tâm Ngoại ngữ thực hiện chính sách giảm 30% học phí cho sinh viên hình thức chính quy của trường theo học các lớp để tích luỹ chứng chỉ A, B (không bao gồm các lớp nâng cao, các lớp rèn luyện kỹ năng,…)

3. Các đối tượng được miễn học ngoại ngữ không chuyên bao gồm:

a) Sinh viên có một trong các văn bằng quy định tại Điều 6, Quy chế 51; bao gồm:

- Văn bằng tốt nghiệp đại học hoặc sau đại học tại nước bản ngữ là tiếng Anh;

- Văn bằng tốt nghiệp đại học hoặc sau đại học ở trong nước, nước ngoài mà ngôn ngữ sử dụng toàn phần trong đào tạo là tiếng Anh không qua phiên dịch;

- Văn bằng tốt nghiệp đại học hoặc sau đại học ngành ngoại ngữ tiếng Anh do các cơ sở đào tạo trong nước, nước ngoài cấp và được Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh công nhận.

b) Sinh viên có một trong các chứng chỉ quốc tế của các cơ sở có chức năng đào tạo, tổ chức thi, cấp chứng chỉ được quy định tại Điều 7, Quy chế 51, bao gồm:

- Chứng chỉ tiếng Anh quốc tế: chứng chỉ tiếng Anh do tổ chức khảo thí hoặc đào tạo có thẩm quyền hoặc được uỷ quyền cấp. Các loại chứng chỉ bao gồm: Chứng chỉ IELTS của ba tổ chức đồng sở hữu là Hội đồng Anh (British Council), Hội đồng Khảo thí Tiếng Anh Trường Đại học Cambridge (University of Cambridge ESOL) và Tổ chức Phát triển Giáo dục Quốc tế của Úc (IDP Education Australia); Chứng chỉ TOEFL iBT của Viện Khảo thí Giáo dục Hoa Kỳ (Educational Testing Service - ETS); Chứng chỉ tiếng Anh của Cambridge ESOL; Chứng chỉ TOEIC của ETS kiểm tra 4 kỹ năng;

- Chứng chỉ tiếng Anh nội bộ do các đơn vị, tổ chức khảo thí hoặc đào tạo tiếng Anh trong nước cấp, được Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh công nhận

c) Sinh viên có chứng chỉ ngoại ngữ trình độ B do trung tâm ngoại ngữ của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, của Đại học Quốc gia  Hà Nội, trung tâm ngoại ngữ của các trường đại học thành viên thuộc hai Đại học Quốc gia kể trên cấp.

Tất cả các chứng chỉ ngoại ngữ phải còn thời hạn hai năm tính từ ngày cấp chứng chỉ đến ngày nộp hồ sơ tốt nghiệp khoá đào tạo.

4. Lộ trình thực hiện: Thông báo này bắt đầu có hiệu lực từ học kỳ 1 năm học 2011-2012. Các chứng chỉ ngoại ngữ cấp trước thời điểm học kỳ 1 năm học 2011-2012 và còn thời hạn tính đến ngày xét tốt nghiệp được công nhận là chứng chỉ hợp lệ.

5. Thông báo này có hiệu lực từ học kỳ I năm học 2011-201 và thay thế cho các văn bản liên quan của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đã ban hành trước đây.

6. Đây là chủ trương quan trọng của Trường, yêu cầu các khoa /bộ môn, Phòng Đào tạo, Trung tâm Ngoại ngữ, các phòng, ban có liên quan và tất cả sinh viên bậc đại học hình thức đào tạo chính quy của Trường nghiêm túc thực hiện.

Những hoạt động sắp tới của khoa NGỮ VĂN TRUNG QUỐC!

-29/8 30/8 31/8 :HƯỚNG DẪN TÂN SINH VIÊN 2011 CỦA KHOA LÀM THỦ TỤC NHẬP HỌC.
-6/9/2011:Gặp gỡ & giao lưu tân sinh viên khóa mới tại p.A1.41 lúc 8h.(đề nghị các bạn tân sinh viên có mặt đầy đủ )

<<ĐOÀN KHOA NGỮ VĂN TRUNG QUỐC>>